1. Như thế nào là biển hiệu, bảng quảng cáo
Biển hiệu được quy định tại Mục 7 Khoản 4 Điều 4 Mục 1 Chương 1 là: “Bảng dùng để viết tên của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch”.
Bảng quảng cáo được quy định tại Mục 7 Khoản 4 Điều 1 Chương 1 là: “ Phương tiện để thể hiện các sản phẩm quảng cáo trên nhiều chất liệu và kích thước khác nhau, bao gồm: bảng, biển, panô, hộp đèn được treo, lắp độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn”.
2. Treo bảng biển, biển quảng cáo có phải xin giấy phép không?
Theo quy định của Luật quảng cáo năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Thông tư 19/2013/TT-BXD ngày 31/12/2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương diện quảng cáo như sau:
– Đối với biển hiệu thông thường (gồm tên cửa hàng, cửa hiệu, địa chỉ, điện thoại), bạn không phải thông báo quảng cáo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng phải đảm bảo các nội dung theo quy định của Luật quảng cáo năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 và các quy định về nội dung, kích thước, chữ viết, kỹ thuật lắp đặt.
– Biển hiệu có gắn yếu tố quảng cáo hoặc bảng quảng cáo đặt tại các công trình/nhà ở riêng lẻ. Bao gồm bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên, mặt tiền công trình, nhà,… thì phải làm thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch).
– Ngoài ra, nếu bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2. Kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào tường nhà thì phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.
Như vậy, tùy thuộc vào biển bảng bạn muốn sử dụng là loại gì thì sẽ phải xin phép của cơ quan đó.
3. Quy định về chi tiết về đặt bản biển, bảng quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ
Được quy định chi tiết tại Mục 2 Khoản 2 Điều 2 Chương 2 của thông tư 19/2013-TT-BXD ngày 31/10/2013 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời như sau:
– Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình,nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chiều cao tối đa 5 m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Số lượng không quá 2 bảng.
- Đối với công trình, nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5 m;
- Đối với công trình nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên.
– Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền công trình, nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2 m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình, nhà ở; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình, nhà ở tối đa 0,2 m.
- Vị trí: ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.
– Quy định cụ thể kích thước và vị trí đặt bảng quảng cáo dọc:
- Chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình/nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo, mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m.
- Vị trí đặt: ốp sát vào mép tường đứng.
- Đối với công trình, nhà ở một tầng chỉ được đặt một bảng ngang và một bảng đứng.
– Quy định về mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu:
Được hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng:
- Mỹ quan, chữ viết hiển thị trên biển hiệu: Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
- Nội dung chi tiết biển hiệu: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có); Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.
- Vị trí đặt biển hiệu: Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác. Chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
4. Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo
Theo quy định tại Điều 29 Luật quảng cáo năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 theo đó:
Cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ. Nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý. Phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Treo biển quảng cáo không xin phép thì bị xử lý như thế nào?
Cụ thể, theo quy định tại Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính khi quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo sai quy định, theo đó:
– Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng: Treo, dựng, đặt bảng quảng cáo không đúng vị trí đã quy hoạch, vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
– Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng: Xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40m2 trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Trên đây là các quy định của pháp luật về vấn đề treo biển quảng cáo tại nhà. Các cá nhân, tổ chức cần lưu ý lập biển bảng quảng cáo đúng theo quy định để không bị xử phạt.